Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ rằng họ thật sự mệt mỏi với công việc hiện tại, đặc biệt là vào mỗi đợt tuyển dụng mới họ lại hoang mang làm sao để thoát được kiếp đăng đi đăng lại tin tuyển dụng mà không phải chờ người ứng tuyển trong vô vọng? Lí do là đâu?

Trên đây là những câu trả lời giúp các bạn giải đáp thắc mắc “Vì sao bạn đăng tuyển mãi mà không có người ứng tuyển?”

1. Kênh đăng tuyển hạn chế

Tại sao tôi lại nhấn mạnh nó lên đầu tiên?

Đơn giản lắm, trước hết bạn thử suy nghĩ xem mình đã thật sự đầu tư cho việc tìm kênh đăng tuyển hiệu quả chưa, hay chỉ đăng trên một vài Group Facebook hoặc những web lớn phải trả phí đẩy tin thôi?

Việc lựa chọn kênh đăng tuyển cũng giống như việc bạn đứng ở ngã tư tìm đường vậy! Không phải hướng nào cũng có thể rẽ và cũng không phải cứ rẽ là sẽ đến đúng nơi. Bạn phải xác định được lối đi nào mới thật sự dẫn bạn tới đích.

Đăng tuyển cũng thế! Bạn cố đăng thật nhiều group, nhiều diễn đàn, nhiều kênh tuyển dụng…và bạn bỏ hàng tá tiền vào đó nhưng lại quên mất mục đích của mình là tìm nơi đăng tuyển hiệu quả và có ứng viên.

Kênh đăng tuyển hạn chế

 

Sử dụng mạng xã hội đang rất phổ biến, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động. Do đó bạn cần tận dụng triệt để lợi thế của nó. Nếu bạn là 1 nhân viên tuyển dụng hay chủ 1 cơ sở nhỏ lẻ thường xuyên cần tìm nhân viên và muốn hiệu quả, tiết kiệm chi phí thì nên đọc bài sau: Làm sao để đăng tuyển hiệu quả trên Facebook.

Chọn kênh đăng tuyển phù hợp cũng là cách giúp bạn tiết kiệm chi phí và thời gian hơn. Đừng chỉ chú trọng vào các kênh tên tuổi lớn! Bạn nên thử lựa chọn thêm những web khác để đăng thử và tìm ra nơi có thể cung ứng nguồn nhân lực nhanh nhất với mình.

Mách các bạn một mẹo nhỏ rằng, bây giờ các kênh đăng tuyển nhỏ lẻ, tuy chưa tạo được độ phổ biến những xét về uy tín và chất lượng thì không thua các anh lớn kia đâu! Điều đó cũng dễ hiểu vì họ đang muốn xây dựng hình ảnh, tạo thương hiệu cho kênh của mình thì sẽ chăm chút, quan tâm và tạo sự hài lòng nhất có thể cho những khách hàng mới của mình, không những thế còn có nhiều ưu đãi khác nữa. Hi vọng mỗi người sẽ tìm được kênh tuyển dụng đúng nghĩa của đời mình!

2. Trình bày nội dung

  • Tiêu đề không thu hút.

Tiêu đề sẽ là phần đầu tiên đập vào mắt người tìm việc. Nên nhớ, 10s đọc đầu tiên sẽ quyết định họ có kéo xuống đọc tiếp hay không.

Tiêu đề rõ ràng, chính xác

Một tiêu đề tốt cần phải xác định đúng mục đích, vai trò của công việc để truyển tải đến ứng viên. Cần ghi rõ ràng, chính xác, cụ thể để ứng viên nhanh chóng biết được mình có phù hợp với công việc này hay không.

Không hiệu quả Hiệu quả
Trở thành bậc thầy nấu nướng tại nhà hàng  ABC               Tuyển đầu bếp tại nhà hàng ABC               

Ghi lĩnh vực cụ thể ngay tiêu đề

Nếu bạn cần tuyển nhân viên có kinh nghiệm, cụ thể là trong một lĩnh vực nhất định nào đó, bạn nên đưa nó ngay vào tiêu đề của mình. 

Không hiệu quả Hiệu quả
     Tuyển dụng Đầu bếp        Tìm gấp Đầu bếp làm món Âu

Không viết tắt

Nên hạn chế việc viết tắt ngay tiêu đề. Điều này vừa khiến ứng viên gây nhầm lẫn vị trí bạn muốn tuyển mà còn làm giảm hiệu quả hiển thị trên thanh tìm kiếm của bạn.

Không hiệu quả Hiệu quả
Tuyển 5 nv
Tuyển dụng sv 
Tuyển pv q1
Tuyển 5 nhân viên cho vị trí...
Tuyển sinh viên làm part-time cho...
Tuyển phục vụ cho nhà hàng ABC Quận 1

Nên thêm vào thời gian và khu vực làm việc

Việc ghi rõ thời gian tuyển full – time hay part – time với khu vực làm (quận 1, Bình Thạnh, Thủ Đức… nếu ở HCM; hoặc Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy nếu ở Hà Nội…) sẽ giúp bạn hướng tới đúng đối tượng cần tuyển và thu hút họ, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cho cả hai bên. 

Không hiệu quả Hiệu quả
                Tuyển nhân viên phục vụ              King Coffe Quận 3 cần tuyển nhân viên phục vụ
  • Hình ảnh không hấp dẫn

Hầu hết các tin tuyển dụng thường không mấy đăng ảnh về quán, nếu có thì chỉ đăng đại mấy tấm lấy từ fanpage hay các trang như foody thôi.

Các bạn không biết rằng chăm chút cho tấm hình cũng như việc mình lựa một chiếc váy đi dự tiệc vậy, ít ra bạn cũng phải tạo chú ý từ vẻ ngoài trước đã!

- Hình ảnh phải nét, view phải đẹp. Điều này sẽ tạo ấn tượng với ứng viên về môi trường làm việc.

- Dùng hình tự chụp, hạn chế dùng hình có sẵn và các hình có ghi tên web riêng ở trong.

Không nên chọn hình có ghi nguồn bên trong

 

Facebook và google có chức năng nhận diện hình ảnh đã sử dụng và hình ảnh có tên thương hiệu ở bên trong. Vậy nên nó sẽ đánh giá thấp bài đăng của bạn, tạo tương tác kém hơn.

- Một bí kíp giang hồ khác mà tôi muốn truyền cho các bạn, đó là nên ghi thêm nội dung đăng tuyển ở bên trong hình.

Nó không chỉ giúp bạn đưa được những thông tin chính mà còn khiến ứng viên có sự chú ý cao vào bài đăng của bạn. Đây là một trong những cách nhanh - gọn - lẹ nhất truyền thông tin đến người tìm việc.

Tạo ấn tượng cho hình đăng

 

Nên nhớ, bạn phải làm nổi bật mình trước hàng ngàn tin khác!

  • Nội dung không có những thông tin cần thiết

Tiêu đề và hình ảnh chỉ là yếu tố phụ giúp tạo ấn tượng cho tin đăng của bạn. Phần chính vẫn nằm ở nội dung đăng tuyển.

Thông tin đăng tuyển phải đầy đủ, rõ ràng:

- Thông tin về quán/ shop của bạn: tên quán/ shop, địa chỉ cụ thể, thông tin liên hệ.

- Mô tả công việc: làm vị trí nào, công việc làm những gì…

- Lương và quyền lợi nhận được: thường thì ứng viên sẽ dành sự quan tâm lớn cho phần này. Đối với người tìm việc, mức lương luôn là yếu tố hàng đầu khi quyết định tìm kiếm cho mình một công việc nào đó. Đồng thời, quyền lợi và lợi ích lại là phần dùng níu chân ứng viên ở lại.

Yêu cầu công việc: nêu rõ yêu cầu cần thiết, bắt buộc phải có của công việc. Liệt kê càng ngắn gọn, càng ít càng tốt, chỉ cần đủ, đừng cố ghi cho nhiều. Và nhớ là yêu cầu nhiều mà họ đáp ứng được thì chi phí cho họ cũng không ít đâu.

Bạn cũng nên đầu tư thêm cho câu chữ dí dỏm chút, dùng những từ ngữ đang là hot trend hiện nay để giúp tin đăng tuyển thu hút hơn.

3. Yêu cầu quá tham lam

Đầu tiên, bạn phải liệt kê chính xác điều bạn cần ở ứng viên là gì? Phân biệt rõ ràng giữa yêu cầu nào là bắt buộc phải có, yêu cầu nào có thì tốt.

Cá nhân tôi thấy có một số tin tuyển dụng yêu cầu hơi vô lí và thật sự thấy không cần thiết lắm. Tôi sẽ nêu ra một số ví dụ cụ thể luôn:

  • Yêu cầu phục vụ có kinh nghiệm một năm, biết ngoại ngữ:

Phục vụ đa phần là sinh viên nên chưa có kinh nghiệm nhiều, việc bạn đòi hỏi kinh nghiệm ở vị trí phục vụ sẽ làm bớt đi phần lớn ứng viên ứng tuyển vào công việc này.

Thêm nữa, nếu bạn yêu cầu ngoại ngữ ở vị trí phục vụ thì lương bạn trả cho họ phải cao (trên 25k/h). Bạn phải hiểu rằng, nếu biết ngoại ngữ thì sẽ chằng ai chọn làm phục vụ cả, vừa mệt, lương lại thấp. Thay vì vậy học có thể chọn làm phiên dịch cho một công ty nào đó, hàng ngày ngồi máy lạnh, lương cũng ổn định hơn.

  • Nhân viên bán hàng phải có xe để có thể ship đồ cho khách

Có thể trong trường hợp này người chủ quán muốn tiết kiệm chi phí, thay vì phải thuê thêm một shipper nữa thì cho nhân viên bán hàng làm luôn. Nếu vậy thì sẽ chẳng ai ứng tuyển cả, bạn phải trả tiền lương cho nhân viên thêm cả phần của một shipper nữa (tiền xăng, tiền ship…) thì may ra.

Đa phần, người tìm việc chọn vị trí bán hàng hay những công việc làm cố định một nơi vì họ không có phương tiện di chuyển. Trường hợp có xe máy đi lại thì chẳng phải làm shipper luôn hay chạy xe grab, goviet… lương sẽ ngon hơn sao?

Còn hàng tỉ tỉ các yêu cầu rất chi và này nọ mà nhà tuyển dụng nên hạn chế, mục tiêu là tuyển người làm được việc, chứ không phải tuyển một “siêu nhân” cái gì cũng có, cũng làm được!

4. Qui trình phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp

Trao đổi công việc mập mờ là điểm trừ đầu tiên. Bạn nên đưa rõ thông tin công việc cần thiết cho ứng viên biết một cách rõ ràng, cụ thể để tạo sự uy tín. Bây giờ lừa đảo việc làm và đa cấp rất nhiều, ứng viên rất lo sợ bởi những cạm bẫy việc làm đó. Nếu bạn nói một cách lan man thì cũng chỉ nhận lại câu trả lời hời hợt từ ứng viên mà thôi.

Thái độ cọc cằn khó chịu là điểm trừ tiếp theo của nhà tuyển dụng. Khi đặt câu hỏi, ứng viên chỉ muốn biết thêm về công việc để có thể làm tốt hơn, bạn đừng khó khăn quá. Thái độ của bạn quyết định đến sự cống hiến của nhân viên mình đấy!

Phỏng vấn khó khăn

 

Một lỗi sai mà phần lớn nhà tuyển dụng mắc phải đó là thiếu chuyên nghiệp trong việc sắp xếp lịch phỏng vấn. Việc sắp xếp lịch phỏng vấn nên chọn thời gian hợp lí mà cả đôi bên đều có thể gặp mặt chứ đừng chỉ nghĩ tới thời gian của bản thân. Trường hợp bạn hẹn quá nhiều ứng viên đến phỏng vấn thì nên canh thời gian và giãn lịch hẹn ra, đừng hẹn một lúc hết, làm vậy ứng viên sẽ phải chờ bạn rất lâu và có thể bỏ về (đừng lấy lí do là thử lòng ứng viên, thời gian là vàng là bạc, họ còn khối công việc phải làm chứ không rảnh đâu mà ngồi chờ bạn cả ngày được)

Còn rất nhiều lí do khác nữa, bên cạnh đó ứng viên có rất nhiều thể loại mà mình cũng không tránh được. Trên đây tôi chỉ tóm chung lại những lí do lớn mà nhà tuyển dụng hay gặp phải.

Thật ra tôi nghĩ phần nào đó các bạn đã tìm được lí do rồi nhưng chỉ là không muốn chấp nhận và không muốn thay đổi mà thôi. Hãy rút ra kinh nghiệm từ những lí do trên để việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn nhé!

Nếu bài còn thiếu sót thì mong các bạn góp ý thêm.